Đây là quy định hài hòa chung của EU đối với các loại thuốc trừ sâu vì cho đến nay mỗi nước thành viên EU vẫn có các quy định riêng đối với cùng một loại thuốc trừ sâu được sử dụng trong cùng một mùa vụ.

Quy định này bao gồm 1100 loại thuốc trừ sâu đã từng hoặc hiện đang được sử dụng trong nông nghiệp nội khối và ngoài EU đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp được dùng làm thức ăn cho người và gia súc. Luật này quy định Dư lượng thuốc trừ sâu tối đa (MRLs) đối với 315 loại nông sản ở dạng tươi cũng như khi đã qua chế biến. Đối với các loại thuốc trừ sâu không có quy định MRL riêng thì áp dụng mức chung là 0,01 mg/kg. Cơ quan chức năng của các nước thành viên EU có trách nhiệm kiểm tra và bảo đảm việc thực hiện MRLs.

Luật mới nhằm bảo đảm an toàn cho tất cả các nhóm đối tượng: từ trẻ em đến các nhà trồng trọt.

Theo Luật này, 22 chất bị cho là có hại về mặt sinh học sẽ không được tái cấp phép sử dụng sau khi giấy phép hiện thời hết hạn. Dự kiến, ngay trong năm 2009, việc cấm sử dụng sẽ có hiệu lực đối với 2 chất, các chất còn lại vẫn được sử dụng nhưng sẽ bị loại bỏ dần đến năm 2018. Tuy nhiên, khi một nước thành viên có thể chứng minh được là cây trồng (tại nước mình) có khả năng bị nguy hiểm nếu không được phun thuốc trừ sâu có chứa 1 trong 22 chất bị cấm, Luật sẽ cho phép nước đó có một khoảng thời gian 5 năm tiếp tục sử dụng chất bị cấm cho đến khi tìm ra chất thay thế.

Theo một thành viên của Nghị viện châu Âu, với mục đích kiểm soát để việc sử dụng thuốc trừ sâu được “càng ít càng tốt, nhưng phải đúng thời điểm và có lộ trình”, Luật về thuốc trừ sâu là một mốc quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường, sức khoẻ và người tiêu dùng tại EU.

Để quản lý việc sử dụng thuốc trừ sâu, Luật này chia Châu Âu làm 3 vùng địa lý Bắc Âu, Trung Âu và Nam Âu. Khi một loại thuốc trừ sâu được chấp nhận sử dụng tại một nước thành viên EU thì các thành viên khác cùng nằm trong vùng địa lý với nước đó cũng sẽ buộc phải chấp nhận loại thuốc này, trừ trường hợp họ chứng minh được là chất đó có hại.

Các nước thành viên EU cũng có trách nhiệm xây dựng một chương trình hành động quốc gia, có mục tiêu và lịch trình cụ thể để giảm thiểu tác hại và ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đối với môi trường và sức khoẻ con người, đồng thời giảm dần việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu cũng sẽ bị nghiêm cấm sử dụng ở những nơi gần trường học, cơ sở y tế và các khu vực hạn chế khác. Việc phun thuốc trừ sâu trên không trung, ở diện rộng cũng bị cấm, trừ trường hợp tại các nhà kính có đảm bảo cách ly hoàn toàn với con người.

Điều đáng chú ý là trong khi Luật trên không cấm các công ty châu Âu xuất khẩu các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm ra thế giới thì các mặt hàng rau, củ, quả của các nước nếu muốn được nhập khẩu vào thị trường EU thì phải đảm bảo không chứa các chất bị EU cấm sử dụng.

Luật sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2009, sau khi được tất cả thành viên EU thông qua.

Luật nay khi được thực hiện sẽ gây thêm khó khăn và chi phí cho các nhà xuất khẩu vì trong thực tế sẽ phải có chứng nhận nông sản không chứa các chất bị EU cấm sử dụng mới có thể được cho nhập vào EU.

Có thể tham khảo thêm thông tin tại:

http://ec.europa.eu/sanco_pesticides/public/index.cfm

http://ec.europa.eu/food/plant/protection/pesticides/index_en.htm

• EU Pesticide Residues monitoring Report

http://ec.europa.eu/food/fvo/specialreports/pesticides_index_en.htm

• FVO-inspections

http://ec.europa.eu/food/fvo/index_en.htm

• RASFF

http://ec.europa.eu/food/food/rapidalert/index_en.htm

• European Food Safety Authority

http://www.efsa.europa.eu

• Community Reference Laboratories for pesticide residues

http://www.crl-pesticides.eu

(Thương Vụ Việt Nam tại Bỉ và EU)

 

Nguồn: Vinanet