Kể từ khi trở thành thành viên WTO, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cải cách trong lĩnh vực quản lý hàng nhập khẩu. Tháng 12/2001, Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp quản lý xuất nhập khẩu mới phù hợp với những cam kết WTO bao gồm: Các quy định về quản lý xuất nhập khẩu; Các biện pháp quản lý thông qua giấy phép nhập khẩu; Các điều khoản về quản lý giấy phép xuất khẩu; Các biện pháp quản lý nhập khẩu sản phẩm điện tử, cơ khí; Các biện pháp quản lý doanh nghiệp nhập khẩu chỉ định; Các biện pháp quản lý hạn ngạch xuất khẩu; Các biện pháp quản lý cấp phép nhập khẩu tự động;

Các quy định về thực hiện quản lý hạn ngạch nhập khẩu đối với các sản phẩm điện tử và cơ khí và Luật Ngoại thương sửa đổi tháng 4/2004. Có thể nói, tất cả các biện pháp trên đã hình thành một khung pháp lý mới để quản lý hàng nhập khẩu.

Theo cam kết, khi gia nhập WTO, kể từ ngày 1/1/2004, Trung Quốc đã dỡ bỏ hạn ngạch và giấy phép nhập khẩu đối với các mặt hàng sau: dầu tinh chế, cao su thiên nhiên, lốp xe, các loại xe mô tô cũng như phụ kiện và chuyển sang quản lý bằng mã số thuế. Hiện nay, chỉ có 05 mặt hàng vẫn còn hạn ngạch và giấy phép. Cũng trong thời điểm này, các nước thành viên WTO cũng đồng loạt dỡ bỏ các hạn chế đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc (như dệt may). Các biện pháp quản lý hành chính trực tiếp như hạn ngạch và giấy phép sắp tới cũng buộc phải xoá bỏ hoàn toàn.

Giấy phép và hạn ngạch nhập khẩu

Theo Luật Ngoại thương sửa đổi tháng 4/2004, hàng hóa và công nghệ nhập khẩu sẽ được chia thành 4 danh mục sau: Cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu, tự do nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan. Trong đó, để hạn chế số lượng đối với hàng hoá, Trung Quốc sẽ vẫn sử dụng hạn ngạch và giấy phép, còn đối với các sản phẩm công nghệ thì chỉ dùng giấy phép. Về nguyên tắc, hàng hóa tự do nhập khẩu có nghĩa là không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào, song để nắm bắt được tình hình và số lượng nhập khẩu, Sở Ngoại thương Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Nhà nước sẽ ban hành danh mục và hệ thống cấp phép tự động cho những hàng hoá này. Đối với nhập khẩu công nghệ, kể cả công nghệ thuộc danh mục nhập khẩu tự do, nhà nhập khẩu phải có đăng ký và tiến hành các thủ tục theo hợp đồng bắt buộc.

Trung Quốc cũng đã tiến hành rà soát hiệu chỉnh các văn bản liên quan tới quản lý hành chính đối với hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài cho phù hợp với WTO. Các mặt hàng do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu bất kể với mục đích đầu tư hay tiêu dùng, để sản xuất và bán trong nước đều phải được quản lý bằng hạn ngạch, giấy phép hay giấy phép tự động. Trong quá trình đầu tư, nếu thiếu nguyên liệu, phụ kiện (quản lý bằng giấy phép tự động), doanh nghiệp sẽ được miễn giấy phép tự động. Hàng hoá nhập khẩu (quản lý bằng giấy phép) vì mục đích sản xuất chế biến sẽ được miễn giấy phép, trừ trường hợp dầu tinh chế, hoá chất phân loại, hóa chất độc hại và thiết bị sản xuất CD-ROM.

Kiểm soát ngoại hối

Trung Quốc ấn định tỷ giá hối đoái, thực hiện một hệ thống giám sát và hủy bỏ phương thức thanh toán ngoại hối với hàng xuất khẩu và biên lai xuất khẩu. Trong thực tế, một doanh nghiệp sẽ bán biên lai ngoại hối cho ngân hàng chỉ định và thanh toán ngoại hối bằng cách mua ngoại hối hoặc chuyển ngoại hối vào tài khoản của mình. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể mở tài khoản bằng ngoại hối và giữ một tỷ lệ nhất định bằng ngoại hối trong tài khoản hiện có.

Khi nhập khẩu hàng hoá, doanh nghiệp có thể thanh toán bằng ngoại hối từ tài khoản hiện có, hoặc xuất trình hợp đồng nhập khẩu, thông báo hải quan và giấy tờ liên quan cho ngân hàng chỉ định để được thanh toán. Để xuất khẩu, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục kiểm tra và hủy bỏ hóa đơn ngoại hối xuất khẩu.

Thuế và quản lý thuế quan

Trung Quốc sử dụng thuế quan và thuế VAT đối với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, một số mặt hàng còn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hải quan Trung Quốc chia các doanh nghiệp thương mại thành 4 loại: A, B, C và D dựa trên chỉ số tin cậy. Doanh nghiệp loại A được hưởng nhiều ưu đãi trong việc làm thủ tục hải quan, giám định và thông quan, giám định tại chỗ, dỡ hàng được bảo đảm; giám định thông qua hình thức chọn mẫu đối với những mặt hàng bắt buộc được ưu tiên thông báo trực tiếp thông qua mạng thông tin điện tử và được ưu tiên đăng ký hải quan. Doanh nghiệp loại B chịu sự quản lý thông thường. Doanh nghiệp loại C phải chịu sự kiểm soát và giám sát đặc biệt, ví dụ, phải đặt cọc với những hàng hóa có yêu cầu đảm bảo thuế quan, hoạt động kinh doanh bị giám sát chặt chẽ, hầu hết các hoạt động xuất nhập khẩu đều bị kiểm tra, và bắt buộc phải làm thủ tục thông báo hải quan ngay tại địa phương. Doanh nghiệp loại D bị quản lý nghiêm ngặt tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu, có thể bị hoãn thông báo hải quan, gửi hàng, lưu kho, thậm chí bị cấm và phạt trong trường hợp phát hiện thấy doanh nghiệp này không đủ tư cách.

Giám định các mặt hàng nhập khẩu

Hàng hoá giám định và kiểm dịch bắt buộc: Bản danh mục các mặt hàng xuất nhập khẩu bắt buộc phải giám định và kiểm dịch theo đúng các nội dung, cơ sở, phương pháp và thủ tục giám định

Tiêu chuẩn kỹ thuật để giám định và kiểm dịch: do Tổng cục Quản lý và giám định chất lượng hàng hoá Trung Quốc (AQSIQ) tiến hành theo các tiêu chuẩn sau: Các mặt hàng xuất nhập khẩu liệt kê trong catalogue, dựa trên các tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc, có tham khảo tiêu chuẩn nước ngoài tùy theo từng mặt hàng cụ thể.

Kiểm tra và giám định các sản phẩm điện tử, cơ khí

(a) Phạm vi sản phẩm

Được chỉ dẫn trong Cẩm nang xuất nhập khẩu các sản phẩm điện tử, cơ khí (xuất bản năm 1999) do Vụ Xuất nhập khẩu sản phẩm điện tử và cơ khí trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc biên soạn.

(b) Các quy định về kiểm tra các sản phẩm điện tử và cơ khí nhập khẩu

Chứng chỉ chất lượng đối với hàng hoá nhập khẩu

Trung Quốc đã xuất bản Danh mục các mặt hàng được phép nhập khẩu theo tiêu chuẩn an toàn chất lượng. Những sản phẩm cho dù được phép nhập khẩu, song nếu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn như đã quy định cũng sẽ không được vào thị trường Trung Quốc.

Các quy định về quản lý hàng điện tử, cơ khí nhập khẩu đã qua sử dụng: loại trừ những sản phẩm nhập khẩu vì mục đích sử dụng đặc biệt, các mặt hàng đã qua sử dụng bị cấm nhập vào Trung Quốc. Với các sản phẩm đã qua sử dụng, trong các điều khoản của hợp đồng thương mại phải quy định rõ các vấn đề về bảo đảm sức khỏe, an toàn, bảo vệ môi trường và chứng từ giám định trước khi giao hàng lên tàu tại nước xuất khẩu. Doanh nghiệp nhập khẩu phải trình lên Cơ quan giám định ngay tại cảng nhập khẩu Báo cáo nhập khẩu các sản phẩm điện tử – cơ khí đã qua sử dụng bản sao các giấy tờ nhập khẩu trước khi làm thủ tục thông quan. Sau khi thông quan, trong một khoảng thời gian nhất định, doanh nghiệp nhập khẩu phải trình hóa đơn, vận đơn, danh sách mặt hàng và các giấy tờ quan trọng khác lên Cơ quan giám định của địa phương nơi hàng đến.

Kiểm tra và giám định dược phẩm nhập khẩu

Tất cả các sản phẩm dược phẩm nhập khẩu phải được sự chấp thuận của Cơ quan quản lý thuốc quốc gia (SDA). Dược phẩm nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của nước sản xuất, đồng thời phải phù hợp với yêu cầu GMP (Hệ thống quy định về Thực tiễn sản xuất tốt – Good Manufacturing Practice) của Trung Quốc. Thủ tục đăng ký được tiến hành tại Cục Quản lý thuốc và phải thông qua sự kiểm tra trong Phòng thí nghiệm của SDA nơi có cảng đến.

Sau khi giám định chất lượng và tiến hành những kiểm tra cần thiết, SDA sẽ cấp một Chứng chỉ đăng ký được phép nhập khẩu cho các loại dược phẩm nhập khẩu. Chứng chỉ này sẽ là giấy phép chính thức để đăng ký, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng dược phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc.

Dược phẩm nhập khẩu phải được nhập từ cảng đã được chỉ định trước. Nhà nhập khẩu phải đăng ký và làm thủ tục nhập khẩu với Cơ quan quản lý ngay tại cảng này. Bất kỳ sự thay đổi nào trong mặt hàng, đơn hàng, nhãn mác phải thông báo ngay với SDA.

Khi dược phẩm về đến cảng nhập khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu phải khai đầy đủ vào Đơn giám định dược phẩm, sau đó nộp cùng với Giấy đăng ký dược phẩm nhập khẩu và các giấy tờ liên quan khác cho cơ quan địa phương của tỉnh đó. Sau khi qua kiểm tra, Phòng thí nghiệm sẽ có kết quả giám định và nếu đạt yêu cầu sẽ cấp giấy thông quan cho sản phẩm đó.

Trường hợp không được phép thông quan, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận báo cáo giám định, doanh nghiệp nhập khẩu có thể yêu cầu giám định lại nếu thấy kết quả giám định là không hợp lý. Nếu sau khi tiến hành kiểm tra lại, mà vẫn thấy không thỏa đáng, thì doanh nghiệp có thể trình lên Viện Quản lý dược phẩm và sinh học quốc gia để phân xử trong vòng 30 ngày kể từ ngày giám định lại.

(Bộ Công Thương)

Nguồn: Vinanet