Giống như dưa hấu và hành tím, vải thiều cũng được coi là loại nông sản có tính thời vụ cao với thời gian thu hoạch rộ hơn một tháng.

Để chủ động trong tiêu thụ vải thiều, tránh phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch sang một thị trường, việc “dọn đường” đưa vải thiều tới tay người tiêu dùng cả nước, cũng như xuất khẩu ra các nước trong khu vực, đặc biệt thị trường mới như Mỹ, Australia đã được các bộ, ngành và địa phương "vào cuộc" khá sớm.

Chỉ tính riêng hai địa phương trọng điểm trồng vải của cả nước là Bắc Giang và Hải Dương, vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Ngoài ra, còn một sản lượng nhỏ ở Hưng Yên, Hà Nội và một số tỉnh lân cận... Thời gian thu hoạch vải thiều chính vụ dự kiến từ ngày 1/6 đến 20/7.

Với loại quả mang tính thời vụ cao, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ không còn chỉ là sự quan tâm, lo lắng của nông dân, địa phương mà ngay cả các bộ, ngành cũng đã vào cuộc.

Nhìn lại năm 2014, trước tình hình tiêu thụ quả vải gặp nhiều khó khăn, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã đẩy mạnh nhiều hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ quả vải trên thị trường trong nước, đặc biệt tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhờ mở kênh tiêu thụ trong nước, nhất là đưa vào khu vực phía Nam nên việc tiêu thụ vải thiều diễn ra thuận lợi và thành công.

Vụ vải năm nay, phía Nam tiếp tục được đánh giá sẽ là thị trường tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng thị trường miền Nam đang còn khá lạ lẫm với vải thiều, đây là tiềm năng to lớn cần khai thác triệt để.

Để kết nối tốt với người tiêu dùng nơi đây, các siêu thị lớn như Metro, Co.opMart, Hapro, Big C cũng đã vào cuộc để cùng hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều. Các đơn vị khẳng định họ sẵn sàng tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn theo tiêu chuẩn VietGAP vào hệ thống phân phối bán lẻ của mình. Dự báo, thị trường nội địa sẽ tiêu thụ khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn và chủ yếu là quả tươi.

Với kênh xuất khẩu, thị trường truyền thống và lớn nhất vẫn là Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả; trong đó khoảng 90% tổng sản lượng vải xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu thực hiện qua con đường tiểu ngạch nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, rủi ro bất thường. Do vậy, trước khi mùa vải này vào vụ, tỉnh Bắc Giang đã chủ động làm việc với tỉnh Lào Cai, chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2015 sao cho được “trơn tru” nhất.

Để tránh phụ thuộc xuất khẩu quá lớn vào một thị trường, các bộ, ngành và địa phương đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là đưa quả vải sang các thị trường khó tính. Năm nay, vải thiều ngoài được xuất sang các thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... đặc biệt có thêm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam không kỳ vọng sẽ xuất khẩu được với khối lượng lớn mà kỳ vọng trước hết là phải xuất khẩu được và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Mỹ và Australia. Đây là bước đột phá quan trọng và khẳng định rằng với các giải pháp về mặt kỹ thuật của Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu của nhà nhập khẩu. Khi xuất khẩu và đáp ứng được các yêu cầu của hai thị trường khó tính này, thì việc xuất khẩu và đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật của các thị trường khác cũng dễ dàng hơn.

Nhằm đáp ứng tốt cho thị trường xuất khẩu, diện tích vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Bắc Giang đã mở rộng lên 12.000ha, với sản lượng ước tính gần 80.000 tấn và có khoảng 100ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ xuất khẩu vào thị trường khó tính.

Hải Dương cũng đã có 25 mô hình sản xuất vải thiều theo chương trình VietGAP với 229ha, sản lượng được cấp chứng chỉ này khoảng 1.500 tấn. Gần 19ha được cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn đi Mỹ.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam vẫn phải rất vất vả trong tiêu thụ vải cũng như hoa quả nói chung mỗi khi vào vụ, bởi công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn kém.

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, tiêu thụ nông sản bền vững thì bảo quản là vấn đề lớn nhất, công nghệ sau thu hoạch là rất quan trọng. Tổn thất sau thu hoạch vẫn khoảng từ 25-30% và nếu tiết kiệm được 25% này thì cũng không cần Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) giảm 20% giá cước vận tải cho mặt hàng vải thiều xuất sang thị trường Pháp, mà vẫn giảm được chi phí, đặc biệt là kéo dài được thời gian tiêu thụ. Do vậy, cần có đầu tư thích đáng với chính sách cụ thể cho công nghệ sau thu hoạch, từ đó phương thức vận tải sẽ khác, chi phí vận tải sẽ khác, ông Trương Quang Hoài Nam nhấn mạnh.

Không chỉ với vải, với hầu hết các loại hoa quả khác, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng thừa nhận năng lực sơ chế, bảo quản vẫn còn kém; chưa hình thành được hệ thống sơ chế, xử lý, đóng gói và bảo quản, đồng thời chưa hình thành được mối quan hệ liên hoàn giữa sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ rau quả trên thị trường.

Muốn phát triển mối quan hệ liên hoàn này, ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng cần đặt các nhà chế biến, đơn vị lưu thông rau quả là một mắt xích trong hệ thống chuỗi sản xuất và dành cho họ những ưu tiên trong sản xuất như giảm chi phí lưu thông, miễn giảm thuế để họ có thể tiêu thụ tốt hơn cho nông dân.

Xét trên tầm vĩ mô, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần phối hợp thông tin chặt chẽ, hiệu quả trong việc rà soát, xây dựng quy hoạch, điều tiết và quản lý sản xuất, tiêu thụ rau quả. Từ đó, mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong nước cũng như thị trường nước ngoài, nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến.

Nguồn: Vietnamplus.vn