1. Đặt vấn đề

Từ buổi hồng hoang, chè đã là vị thuốc chữa bệnh cho con người, gắn bó máu thịt bền vững với người lao động, các bộ tộc Việt Nam và các nước có nhiều đồi núi trên thế giới. Ở Việt Nam trong mỗi gia đình chè có vị trí rất quan trọng, chè đã trở thành nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Từ việc thờ cúng tổ tiên đến hội hè đình đám, từ nghi lễ giao tiếp, cưới xin đến ma chay chè đều là một thứ nước uống tạo cho con người thế giới tâm linh, một nguồn sáng tạo thơ văn, hội hoạ, nghệ thuật ca múa nhạc. Một cuộc sống tao nhã, thanh bạch hoà vào thiên nhiên mênh mông thuần khiết vốn có. Có thể nói rằng chè đã góp phần vào sự phát triển nền văn minh nhân loại. Chất lượng cuộc sống càng cao nhu cầu thưởng thức sản phẩm chè càng nhiều, yêu cầu về chất lượng chè ngày càng quan trọng.

Chè là thức uống rất phổ biến ở nước ta, đồng thời nhu cầu của thế giới cũng rất lớn. Tuy nhiên, sản xuất chè theo hướng công nghiệp hóa ở trong nước vẫn chưa đủ sức bứt phá để có thể cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài. Xác định được phân khúc thị trường này, Công ty cổ phần tập đoàn chè Tân cương Hoà Bình đã tập trung kết hợp một cách hài hòa giữa công nghệ hiện đại với thủ công truyền thống trong quá trình chế biến chè. Có thể nói, đây chính là bí quyết giúp công ty đạt được thành công. Sản phẩm chè của công ty vẫn giữ được hương vị cổ truyền của chè Việt Nam với h­ương cốm thơm tự nhiên đặc trưng, khi pha uống nước chè trong xanh, vị đượm và có hậu ngọt. Các sản phẩm chè đóng hộp cao cấp cũng như chè túi lọc đều sử dụng tiện dụng trong cuộc sống hàng ngày với mẫu mã đa dạng, thiết kế gọn gàng, mầu sắc trang nhã, kiểu dáng sang trọng, lịch sự. Loại chè xanh hương nhài, ướp bằng hoa nhài được thị trường châu Âu rất thích vì vừa giúp họ giảm béo, uống sau bữa tiệc trở nên nhẹ nhõm, uống đang lúc đói vẫn không cồn ruột, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, lại không đóng cặn, không có bã, rất thích hợp với xã hội công nghiệp.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Hệ thống Quản lý chất lượng ISO9000 được ban hành lần đầu tiên năm 1987, đã trải qua một số lần sửa đổi và được áp dụng phổ biến trong các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp sản phẩm và dịch vụ. ISO9000 được xem là tấm hộ chiếu để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang nước ngoài, hoặc đến với khách hàng. Tuy nhiên, việc áp dụng ISO9000 tại nhiều doanh nghiệp, tổ chức vẫn mang tính hình thức. Đồng thời, việc phát triển hệ thống này thành hệ thống quản lý TQM vẫn luôn đặt ra nhiều thách thức. Vì vậy, việc Nghiên cứu quá trình xây dựng, triển khai hệ thống ISO 9001: 2008 tại Công ty cổ phần tập đoàn chè Tân cương Hoà Bìnhđược xem là có ý nghĩa khoa học và thực tiễn: góp phần cải thiện được tình hình áp dụng ISO 9001: 2008 tại công ty này, đồng thời bổ sung một minh chứng mới về việc triển khai ISO9000 trong các doanh nghiệp.

Mục tiêu của Công ty là hướng tới xây dựng vùng chè phát triển bền vững, có năng suất và chất lượng cao ổn định. Áp dụng nghiêm ngặt các quy trình quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu sản phẩm chè. Ngoài những lĩnh vực mà công ty đã đầu tư và khai thác thành công, Tân Cương Hoà Bình đang tiếp tục phát triển thành một tập đoàn kinh tế đa ngành nghề vững mạnh với nhiều dự án đầu tư lớn được nhiều nhà đầu tư quan tâm mong muốn hợp tác.

3. Kết quả

Là một trong những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm chè đạt chất lượng hàng đầu Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu quá trình xây dựng, triển khai hệ thống theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 chính là công cụ giúp Công ty có cách thức quản lý tốt nhất, giúp công ty quản lý chất lượng sản xuất kinh doanh một cách có hệ thống, có kế hoạch, giảm trừ các chi phí phát sinh sau khi sản phẩm đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Cách thức quản lý của Công ty cũng cần tuân thủ theo sự thống nhất chung trong cách quản lý của tập đoàn chè Tân Cương Hoà Bình, là điều tất yếu trong quá trình làm nhà cung cấp lớn về sản phẩm chè có chất lượng cao.

Việc triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 sẽ tăng cường được tính ổn định về chất lượng trong các quá trình cung cấp sản phẩm đến khách hàng, giảm thiểu các khiếu nại của khách hàng và giảm chi phí để khắc phục các sự cố, chi phí khi sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn phải trả lại. Với tất cả các yêu cầu trên đã đặt ra cho Công ty sự cấp thiết phải xây dựng, tuân thủ theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, là biện pháp hiệu quả nhất giúp Công ty quản lý tốt nhất nguồn lực hiện có, phát huy tối đa sự sáng tạo của cán bộ, công nhân viên trong Công ty, giảm thiểu các rủi ro và chi phí, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong cùng phân khúc thị trường.

 

3.1. Công tác chuẩn bị và quyết tâm của Lãnh đạo 

Với tiềm năng và lợi thế phát triển sản xuất kinh doanh chè của Công ty còn rất rộng lớn. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Công ty vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cùng với những hạn chế cần được quan tâm khắc phục, trong đó nổi lên là việc khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường tạo ra giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm. Việc triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008 có thành công hay không luôn đòi hỏi sự đồng lòng tham gia tích cực của toàn bộ cán bộ, công nhân viên và điều kiện tiên quyết là mọi người phải thay đổi về tư duy, nhận thức.

a. Cam kết của Ban Giám đốc:

- Thiết lập mục tiêu và cam kết về chính sách chất lượng, nêu rõ định hướng phát triển của Công ty đồng thời truyền đạt cho mọi Cán bộ, công nhân viên trong toàn Công ty thấu hiểu.

- Luôn xác định “thoả mãn khách hàng” là điều kiện tiên quyết trong mọi hoạt động của Công ty, truyền đạt ý nghĩa của việc này đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong toàn Công ty.

b. Mục tiêu chất lượng:

- Xác định, thiết lập duy trì các quá trình cần thiết cho hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008;

- Thường xuyên liên lạc với khách hàng và các bên liên quan về các vấn đề liên quan đến hệ thống, đảm bảo sự nhận biết các nhu cầu của khách hàng trong Công ty;

 - Thực hiện các biện pháp khắc phục và phòng ngừa nhằm bảo đảm Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001: 2008 luôn được duy trì và không ngừng cải tiến hệ thống quản lý chất lượng.

3.2. Triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008

Dựa trên kết quả đánh giá phân tích thực trạng, Công ty triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 thực hiện những thay đổi hoặc bổ sung, đã xác định được thực trạng để hệ thống chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9001: 2008, xây dựng hệ thống cấu trúc dữ liệu gồm 4 cấp, chi tiết ở sơ đồ sau:

Hình 1. Cấu trúc tài liệu Hệ thống quản lý chất lượng của Công ty

Tầng 1: Sổ tay chất lượng nằm ở tầng trên cùng của hệ thống phân cấp tài liệu, nhằm đưa ra một cách nhìn tổng quan về cách thức thực hiện và tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001: 2008. Sổ tay chất lượng nêu chính sách về chất lượng chung của Công ty, những nhận thức, nội dung cam kết và các phương án thực hiện cam kết tương ứng với từng yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001: 2008. Nội dung sổ tay chất lượng bao gồm: Giới thiệu về Công ty. Hệ thống văn bản. Sơ đồ tổ chức của Công ty. Nội dung chính sách chất lượng. Trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo. Các chính sách chung theo các điều của ISO 9001:2008.

Tầng 2: Là hệ thống tài liệu bao gồm các qui trình chất lượng. Mục đích của qui trình là nhằm mô tả cách thức, trình tự thực hiện và kiểm soát các qui trình hoạt động.

- Hệ thống chất lượng: Công ty đã lập quy trình nhằm thiết lập một hệ thống, thống nhất cho việc lập và phê duyệt kế hoạch chất lượng cho các sản phẩm mới, sản phẩm theo đơn đặt hàng của khách hàng.

- Xem xét hợp đồng: Quy trình quy định các hình thức xem xét trước khi ký kết hợp đồng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật của Công ty, nhằm hiểu rõ các yêu cầu của khách hàng và xem xét điều kiện đáp ứng của Công ty.

- Kiểm soát tài liệu, dữ liệu: Quy định một phương pháp thống nhất và nhất quán trong việc soạn thảo và kiểm soát các tài liệu, dữ liệu thuộc Hệ thống chất lượng.

- Mua hàng hóa, dịch vụ: Quy trình cung cấp phương pháp thống nhất cho việc quản lý các nhà thầu phụ và quá trình mua hàng hóa dịch vụ từ bên ngoài, nhằm thoả mãn, đáp ứng yêu cầu công việc của Công ty.

- Nhận biết nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ: Cung cấp một hệ thống thống nhất và nhất quán cho việc nhận biết và xác định nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

- Kiểm soát quá trình: Quy trình cung cấp một hệ thống đồng bộ và nhất quán để đảm bảo các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ được tiến hành có kế hoạch trong điều kiện được kiểm soát.

Tầng 3: Là những văn bản được sử dụng tại nơi làm việc để kiểm soát một cách chi tiết từng công việc cụ thể của các quá trình, gồm các tài liệu, các bản kế hoạch chi tiết, hướng dẫn các trình sản xuất chè, chức năng nhiệm vụ kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, nội quy lao động (xây dựng các hướng dẫn công việc là những người phụ trách các phòng, trung tâm và những người có trình độ kỹ thuật am hiểu công việc được trưởng các phòng ủy quyền) các văn bản, tài liệu của Nhà nước, ngành và của khách hàng …

Tầng 4: Là dạng tài liệu đặc biệt được gọi là Hồ sơ chất lượng. Hồ sơ chất lượng cung cấp bằng chứng khách quan về các quá trình hoạt động của hệ thống chất lượng và sử dụng ở dạng tài liệu trong những trường hợp cần thiết. Cách thức xây dựng các qui trình chất lượng như sau:

- Cán bộ hệ thống quản lý chất lượng chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn và bảo đảm các quá trình đạt đúng yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001: 2008.

- Trưởng các phòng, Trưởng ban ISO và ban ISO biên soạn các qui trình kiểm soát hồ sơ, kiểm soát tài liệu, qui trình xem xét lãnh đạo, qui trình đánh giá chất lượng nội bộ.

3.3. Duy trì hoàn thiện cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng

Tiến hành khắc phục các vấn đề còn tồn tại phát hiện qua đánh giá chứng nhận và tiếp tục thực hiện các hoạt động theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 để duy trì và không ngừng cải tiến hệ thống chất lượng của Công ty theo mô hình cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng, nhằm tìm ra sự không phù hợp của hệ thống để khắc phục, cải tiến liên tục và duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008 đạt hiệu quả tốt theo mô hình sau:


 
 
 
Hình 2: Mô hình quá trình quản lý chất lượng

Đến nay bằng chính chất lượng sản phẩm do việc triển khai tốt hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008 và đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, Công ty đã và đang ngày càng khẳng định vị thế thương hiệu chè của mình trên thị trường Việt Nam và thế giới. Thương hiệu chè Tân Cương Hoà Bình đã được khẳng định bằng hàng loạt các giải thưởng cao quý như: 5 lần đoạt giải Sao Vàng đất Việt, Hàng Việt Nam chất lượng cao, Cúp vàng An toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, topten 100 thương hiệu mạnh của Việt Nam ...

4. Kết luận

Trong thời kỳ kinh tế thị trường như hiện nay, việc nghiên cứu quá trình xây dựng, triển khai hệ thống ISO 9001: 2008 tại Công ty cổ phẩn tập đoàn chè Tân cương Hoà Bình là một trong những công cụ quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường, ngày nay hệ thống quản lý chất lượng theo mô hình tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, vì vậy ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu và đi đến xây dựng, triển khai mô hình này vào doanh nghiệp của mình, để cho việc triển khai trở nên hiệu quả hơn trong quá trình xây dựng triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000:2008.

 Cùng với xu thế phát triển chung của nền kinh tế hiện tại, việc xây dựng một cơ chế quản lý tiên tiến và một mô hình quản lý phù hợp là một nhu cầu cấp thiết của tất cả các doanh nghiệp. Do vậy doanh nghiệp cần phải có những chuyển biến về quan niệm nhận thức, xây dựng mục tiêu chiến lược và phương pháp quản lý khoa học có thể phát triển hơn nữa trong thời kỳ mới. Trong quá trình vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế và khó khăn cần khắc phục kịp thời để đảm bảo hiệu quả và tác dụng đích thực của hệ thống quản lý chất lượng. Việc xây dựng, triển khai hệ thống ISO 9001: 2008 vào doanh nghiệp là một việc làm có quy mô lớn và đòi hỏi một quá trình lâu dài liên tục cải tiến, sửa đổi hệ thống cho phù hợp với những yêu cầu mới, đáp ứng nhu cầu thoả mãn  khách hàng.

 HV: KS. Vũ Đình Lân
 GV: TS. Lê Hiếu Học
Viện Kinh tế và Quản lý,
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
 
 

Nguồn: Vinanet