Tuy nhiên, cũng có một số quy định khá chặt chẽ đối với các sản phẩm nội thất dành cho trẻ em, đồ nội thất có thành phần dệt, và đồ nội thất chiếu sáng.

*Sản phẩm nội thất dành cho trẻ em

Loại sản phẩm này phải tuân theo các quy định của Luật an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng (CPSA) của uỷ ban an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng (CPSC). Ví dụ, đối với các loại giường cũi cho trẻ em, có những quy định rất chặt chẽ liên quan đến chiều cao của thanh bao quanh, khoảng cách giữa các bộ phận của cũi, kích cỡ bên trong, chi tiết hoàn thiện, các linh kiện bằng kim loại, và phải có hướng dẫn tháo lắp đối với những bộ phân tháo ghép. Các loại cũi bằng lưới, hoặc có cấu tạo không chắc chắn, nôi, võng, ghế đu, nôi trẻ em trong ôtô, xe đẩy có mui bằng mây đan không phải tuân theo các quy định trên.

Ngoài ra, nhà nhập khẩu các loại cũi cho trẻ em phải duy trì hồ sơ lưu trữ trong vòng 3 năm kể từ ngày sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm này liên quan đến: (1) việc bán hàng, (2)phân phối, (3)kết quả kiểm tra sản phẩm theo quy định của luật CPSA. Nhà nhập khẩu phải cho phép bất kỳ nhân viên nào của CPSC tiếp cận hoặc xác minh các số liệu trên khi họ có yêu cầu.

Quy định về nhãn mác đối với các loại cũi trẻ em cũng tương đối khắt khe. Hộp carton đóng gói cũi và trên cũi phải dán nhãn với những thông tin: (1)tên và địa điểm kinh doanh của nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và/hoặc bán hàng; (2) số kiểu, số kho, số catolog hoặc số sản phẩm để phân biệt với những sản phẩm cùng cấu trúc, thành phần và kích cỡ. Nhãn hàng phải lưu ý người sử dụng dùng các loại đệm với kích cỡ cụ thể cao bao nhiêu, dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu và lưu ý này phải viết bằng chữ hoa với chiều cao ít nhất là 1/4 inch và phải rõ ràng, dễ đọc và tương phảna với nền chữ. Nhãn phải đảm bảo không dễ bị tẩy xoá, mất dấu và tồn tại lâu dài cùng với sản phẩm.

*Đồ nội thất có sử dụng nguyên liệu dệt

Đồ nội thất có thành phần dệt không bị hạn chế bởi hạn ngạch dệt may và các quy định của các hiệp định đa sợi (MFA). Tuy nhiên, những sản phẩm đồ nội thất đó phải được dán nhãn theo các quy định của Luật nhận dạng sản phẩm sợi dệt (TFPIA) được giám sát bởi Uỷ ban thương mại liên bang (FTC). Theo đó sản phẩm phải được đóng dấu, dán nhãn, hoặc ghi mác với những thông tin:

(1)tên và tỷ lệ phần trăm trọng lượng của các loại sợi có chiếm trên 5% trọng lượng theo thứ tự giảm dần; phần trăm của các loại sợi theo quy định được ghi là “các loại sợi khác” (bao gồm các loại sợi có khối lượng bằng hoặc dưới 5%) được ghi ở cuối;

(2)tên nhà sản xuất hoặc tên hay số chứng minh do FTC cấp cho người tiếp thị hay sử dụng sản phẩm dệt;

(3)tên nước sản xuất hoặc chế tạo. Một nhãn hiệu bằng chữ, đã đăng ký với cơ quan bằng sáng chế của Hoa Kỳ, có thể được sử dụng trên mác thay cho tên nhà sản xuất, nếu chủ sở hữu nhãn hiệu đó cung cấp cho FTC một bản copy trước khi sử dụng.

Ngoài ra, luật TFPIA cũng quy định rất cụ thể về loại nhãn mác, cách dán, vị trí nhãn mác trên sản phẩm, dán nhãn bao bì, sắp xếp thông tin trên nhãn mác; dấu hiệu nước xuất xứ; sử dụng tên thương mại và thương hiệu. Nếu lô hàng nhập khẩu đồ nội thất chứa thành phần dệt có giá trị trên 500 USD, thì trên hoá đơn cũng phải chứa những thông tin tương tự như quy định ghi trên nhãn mác.

Ngoài những quy định trên, đồ nội thất có chứa thành phần dệt cũng chịu sự quy định của Luật vải dễ cháy (FTA) được CPSC giám sát. Theo đó, nếu CPSC cho rằng sản phẩm không tuân theo một tiêu chuẩn về dễ cháy,cơ quan này có quyền tiến hành các biện pháp trừng phạt về sản phẩm đó. Thêm vào đó, theo quy định của Luật nâng cao an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng năm 1990(CPSIA), CPSC cũng có quyền phạt dân sự bât cứ người nào cố tình vi phạm FFA với mức phạt lên tới 5000 USD/1 sản phẩm hoặc tối đa tới 1,25 triệu USD.

*Thiết bị nội thất chiếu sáng

Đối với các loại sản phẩm này, Hải quan Hoa Kỳ yêu cầu phải ghi rõ số lượng các loại nguyên liệu cấu thành sản phẩm (bao nhiêu gỗ, bao nhiêu kim loại, bao nhiêu thuỷ tinh...) để phục vụ cho việc phân loại mã thuế. Các thông số này có thể ghi trên hoá đơn khi làm thủ tục hải quan hoặc có thể ghi riêng và đính kèm trong bộ hồ sơ giao nhận hàng.

Mặc dù Hoa Kỳ không có quy định pháp lý bắt buộc về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm đối với các loại đồ nội thất chiếu sáng, song gần như tất cả các sản phẩm nội thất chiếu sáng được tiêu thụ ở thị trường này đều tuân theo các tiêu chuẩn tự nguyện của tổ chức giám định chất lượng sản phẩm Underwriters Laboratory (UL) Hoa Kỳ (UL là tổ chức phi chính phủ và không vì mục đích lợi nhuận) đã được thiết lập đối với các thiết bị chiếu sáng trong nhà và nogài trời. Những sản phẩm được UL kiểm nghiệm và dán nhãn chứng nhận an toàn dễ được người tiêu dùng chấp nhận hơn tại thị trường Hoa Kỳ.

Nguồn: Vinanet