Cạnh tranh không cân sức

TS. Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, năm 2015 là thời điểm bắt đầu hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam. Cuối năm nay, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ ra đời, Hiệp định TPP sẽ kết thúc giai đoạn đàm phán.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi đang được coi là ngành kinh tế bị tổn thương nhiều nhất khi nước ta tham gia một loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương. Nhất là khi AEC ra đời và khi TPP phủ sóng tới Việt Nam.

Theo TS. Đoàn Xuân Trúc, ngành chăn nuôi đối mặt với 8 thách thức lớn và gay gắt như quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, sản xuất còn manh mún, tự phát;  năng suất vật nuôi thấp, năng suất lao động thấp, giá thành cao; đầu vào của ngành chăn nuôi Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài; liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi còn yếu; công tác quy hoạch chăn nuôi ở nhiều địa phương rất khó khăn do thiếu quỹ đất. Tái cơ cấu ngành chăn nuôi thực hiện chậm....

Do đó, ông Trúc cho rằng, hội nhập kinh tế tác động trực tiếp và gay gắt nhất ở việc giảm các dòng thuế theo lộ trình đã cam kết, dễ tạo tình trạng cạnh tranh không cân sức và thiệt thòi vẫn luôn là người chăn nuôi trong nước.

Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng đưa ra dự báo khi xóa bỏ thuế quan, các mặt hàng chăn nuôi có khả năng nhập nhiều vào Việt Nam từ các nước đối tác FTA là (1) thịt bò đông lạnh (từ Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ, New Zealand); (2) bò thịt sống (từ Úc, Thái Lan; (3) sữa và sản phẩm sữa (từ Úc, New Zealand); (4) thịt lợn đông lạnh (từ Mỹ, Tây Ban Nha, Đan Mạch); (5) thịt gà đông lạnh và phụ phẩm (từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan).

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành


TS. Đoàn Xuân Trúc nói, để ngành chăn nuôi chủ động hội nhập, giải pháp tiên quyết là tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo Đề án đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt từ tháng 5/2014 với 4 nhóm giải pháp tổng thể. Cần cân đối lại cơ cấu vật nuôi, phát huy lợi thế từng vùng sinh thái, tăng năng suất vật nuôi, hạ giá thành và tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại và chăn nuôi an toàn sinh học. Sản xuất chăn nuôi theo kế hoạch, quy hoạch và gắn với thị trường tiêu thụ.

Góp phần làm rõ giải pháp này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chỉ ra 4 nhóm giải pháp tổng thể, bao gồm (1) Tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi theo vùng; (2) Tái cơ cấu về vật nuôi; (3) Tái cơ cấu về phương thức chăn nuôi và (4) Tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, ngành hàng.

Về tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi theo vùng, trong việc chăn nuôi gà, ông Dương cho biết trước mắt, duy trì cơ cấu và quy mô đàn tại vùng ĐB Sông Hồng, Trung du MNPB, Bắc Trung Bộ và ĐB Sông Cửu Long; sau đó mở rộng sang vùng Tây Nguyên (hiện nay đàn gà ở Tây Nguyên chiếm 5,5%, đến năm 2020 tăng lên 20%).

Trong chăn nuôi vịt, trước mắt, duy trì ở vùng ĐB Sông Hồng, ĐB Sông Cửu Long; sau đó mở rộng sang vùng Trung du MNPB từ 9,48% (năm 2013) lên 15% (năm 2020) và vùng Duyên hải miền Trung từ 23,3% lên 31%.

Trong chăn nuôi bò thịt, phát triển ở các vùng Duyên hải miền Trung và Trung du miền núi phía Bắc. 

Trong chăn nuôi bò sữa, phát triển ở các vùng truyền thống và có khả năng đầu tư công nghệ cao. 

Về tái cơ cấu chuỗi giá trị, ngành hàng, ông Dương khẳng định đến năm 2020, Việt Nam dự kiến xuất khẩu 1,0 triệu tấn thịt lợn hơi; 1-2 tỷ quả trứng vịt muối và từ 70-100 ngàn tấn thịt vịt. Thực hiện tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như liên kết tổ hợp tác, Hội, Hiệp hội ngành hàng.
Khổng Chiêm