Cảnh báo xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Trang vietnamnet.vn đưa tin, Trung Quốc đang tăng cường các rào cản kỹ thuật, “cấm cửa” hay siết nhập khẩu tiểu ngạch với hàng loạt mặt hàng nông sản, đây là lời cảnh báo cho nông sản Việt xuất khẩu, bởi thị trường 1,4 tỷ dân này đã thay đổi, không còn dễ tính như trước kia.
Mới đây, tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ giải cứu để xuất khẩu cây thạch đen của tỉnh này để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tỉnh này cho biết, thạch đen có thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, song tháng 5/2018, phía Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, hoa quả, trái cây vào thị trường nước này.
Theo đó, doanh nghiệp muốn nhập các hàng hóa trên vào thị trường đều có giấy phép của các cơ quan chức năng với đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói. Điều này đã khiến nông dân thiệt hại nặng do cây thạch đen không thể xuất khẩu được.
Không chỉ “cấm cửa” với cây thạch đen của tỉnh Lạng Sơn và các loại hoa quả không rõ nguồn gốc, thị trường Trung Quốc còn tăng cường rào cản với nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Đơn cử, vào cuối năm 2016 đầu năm 2017, Trung Quốc cũng đã đặt ra các yêu cầu rất nghiêm ngặt với hạt gạo Việt và đã cử đoàn công tác sang tận ruộng, vào tận nhà máy để kiểm tra quy trình sản xuất, chế biến gạo.
Năm 2019 xuất khẩu hạt điều tiếp tục khó khăn
Theo nld.com.vn, năm 2018, ngành điều xuất khẩu đạt 3,52 tỉ USD, chiếm hơn 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu nhưng doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam lại lỗ.
Theo báo cáo của Vinacas, năm 2018 có một kỷ lục buồn trong lịch sử ngành khi hàng trăm tấn điều thô nhập khẩu về Việt Nam phải nằm chờ tại cảng và kho ngoại quan do chất lượng xấu hơn mọi năm và khó khăn về tín dụng của doanh nghiệp (DN) nhập khẩu. Giữa năm 2018, giá điều nhân thế giới xuống thấp trong khi giá nguyên liệu đứng ở mức cao khiến rủi ro trong chế biến điều tăng nên các ngân hàng siết chặt cho vay tín chấp nhập khẩu điều thô, nhất là với các DN nhỏ, DN mới tham gia thị trường. Thiếu vốn, các DN buộc bán tháo điều nhân để thu tiền mặt đẩy giá điều nhân xuống sâu làm thị trường thêm bất ổn.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Vinacas, nhìn nhận số liệu xuất khẩu rất ấn tượng nhưng bản chất của hoạt động ngành điều năm qua là hết sức khó khăn. Để tránh rơi vào vết xe đổ của năm 2018, khi mua nguyên liệu giá cao, bình quân 1.865 USD/tấn nhưng giá điều nhân lại giảm, ông Họa đề nghị các DN không nên vội mua nguyên liệu trong năm 2019 vì nguồn cung điều thô thế giới đang tăng.Về thị trường đầu ra, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, nhận xét năm 2019 tiêu thụ không tăng đột biến, trong khi nguồn cung tăng. "Mỹ là thị trường nhập khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam (32%) và họ đang chờ giá rẻ hơn để mua vào. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho hạt hạnh nhân (cùng phân khúc cạnh tranh với hạt điều nhưng giá rẻ hơn) khó xuất khẩu sang thị trường chính là Trung Quốc buộc phải bán ra ở thị trường Mỹ. Năm nay, các nhà nhập khẩu không ký hợp đồng kỳ hạn giao xa mà chỉ mua giao ngay. Hiện họ vẫn còn lượng tồn mua rẻ của Việt Nam thời điểm "đáy" năm 2018 nên chưa vội mua mới" - ông Sơn thông tin. Cũng theo ông Sơn, năm qua, không chỉ Việt Nam mà DN điều cả thế giới cũng gặp khó khăn. Do đó, các DN khi làm ăn với đối tác nước ngoài cần thận trọng để không bị mất tiền cọc, không đòi được tiền hàng.
Người trồng mía ở Trà Vinh tiếp tục bị lỗ nặng
Trang vov.vn đưa tin, mới vào đầu vụ thu hoạch, người trồng mía ở tỉnh Trà Vinh tiếp tục lỗ nặng, từ 30 - 40 triệu đồng/ha. Hiện tại, giá mía được Công ty mía đường Trà Vinh thu mua tại bàn cân là 800 đồng/kg loại 10 chữ đường, giảm 50 đồng/kg so với thời điểm bắt đầu thu mua cách nay nửa tháng và thấp 100 đồng so với giá mía đầu vụ năm ngoái. Nếu tăng trên 10 chữ đường thì công ty mua tăng thêm 10%/chữ và ngược lại. Với giá niêm yết này, khi tới ruộng mía của người nông dân giá chỉ còn trên dưới 600 đồng/kg, tùy khoảng cách xa gần.
Trong khi đó, mía của bà con Trà Vinh năm nay đều giảm cả năng suất lẫn chữ đường. Nguyên nhân là vụ sản xuất trước, nhà máy đóng trên địa bàn hoạt động chậm gần 3 tháng so với thường niên, khiến nhiều diện tích mía dần chết khô, nông dân bị lỗ nặng. Do vậy, mía vụ này chủ yếu lưu gốc, năng suất giảm từ 15-20 tấn/ha so với những vụ trước.
Ông Lý Văn Lâm ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú người có gần 1 ha mía đến ngày hoạch nhưng thương lái trả rất thấp, cho biết: “Không có cửa nào hết, bởi vì tiền ngọn 1.600 -1.700 đồng/ngọn, rồi tiền cuốc, tiền vô chân đạp mà cây mía có 6 triệu/công thì không có ăn, phân thiếu luôn còn lỗ 1,5 đến 2 triệu đồng nữa, xoay trở không được gì hết. Ba năm nay liên tục lỗ vốn không, tiền Ngân hàng cũng khỏi trả luôn”.
Tỏi Lý Sơn được mùa lại rớt giá thê thảm
Theo vov.vn, huyện đảo Lý Sơn đang kết nối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng để tìm cách giải cứu tỏi cho người dân do giá tỏi đang xuống quá thấp.
Đang vào mùa cao điểm tiêu thụ tỏi để có tiền chi tiêu trong dịp Tết nguyên đán, thế nhưng người trồng tỏi huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi không thể bán được sản phẩm vì giá quá thấp. Huyện đảo Lý Sơn đang kết nối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng để tìm cách giải cứu tỏi cho người dân.
Vụ tỏi năm nay ở Lý Sơn được mùa, nhưng rớt giá thê thảm. Giá tỏi chỉ khoảng từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/1kg, chỉ còn một nửa so với năm trước. Nghịch lý là giá tỏi thấp nhưng người trồng tỏi ở Lý Sơn lại đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Hiện cả huyện Lý Sơn còn tồn đọng khoảng 100 tấn tỏi củ ở trong dân. Nếu không giải toả được lượng tỏi tồn kho vụ trước, sản phẩm thu hoạch vào tháng 2 sắp tới sẽ tiếp tục nâng khối lượng tồn kho lên.
Nguyên nhân giá tỏi giảm sút là do năm nay, cả nước được mùa tỏi, trong khi đó lượng tỏi nhập khẩu cũng rất lớn, bán với giá rẻ nên thị trường tiêu thụ bị phân tán. Hiện nay, huyện Lý Sơn đang kết nối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng để giải cứu tỏi cho người dân huyện Lý Sơn.
Cận tết diễn biến lạ: Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất
Trang vietnamnet.vn thông tin, việc giảm lãi suất cho vay mức 0,5 điểm % của một số ngân hàng là một diễn biến lạ so với thông lệ trên thị trường cuối năm.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố giảm ngay 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2019. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 6%/năm, tương đương giảm 0,5 điểm % so với mức trần quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản vay đang còn dư nợ và các khoản vay mới phát sinh trong năm 2019. Ngân hàng này cũng giảm đồng loạt 0,5 điểm %/năm trong năm 2019 đối với các khoản vay trung dài hạn bằng VNĐ hiện tại của DN.
Chính sách ưu đãi lãi suất trên được áp dụng đối với các lĩnh vực: phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và DN khởi nghiệp.
Vietcombank cho biết, việc giảm lãi suất lần này được áp dụng trên phạm vi rộng, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng dư nợ cho vay bằng VND hiện hữu của ngân hàng.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Nông nghiệp Việt Nam (Agribank), Công thương (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển (BIDV), Việt Nam thịnh vượng (VPB),... cũng quyết định giảm lãi suất cho vay mức phổ biến là 0,5 điểm %/năm để hỗ trợ các DN giảm chi phí đầu vào.
Đây là một tin vui đầu năm với nhiều DN và nền kinh tế. Việc công bố giảm lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng lớn sẽ có tác động đến mặt bằng lãi suất chung hiện nay.
Tuy nhiên, ý kiến từ một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay mức 0,5 điểm % của một số ngân hàng chưa đủ sức nặng để kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm xuống còn 6%/năm đã khó có thể kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp. Bởi lãi suất huy động của đa số các ngân hàng thời hạn từ 6 tháng trở lên, hiện ở mức từ 6% đến 8,6%/năm. Chỉ khi nào lãi suất huy động giảm thấp thì lãi suất cho vay mới có điều kiện để giảm.
Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ khi đưa hàng sang EU
Trang web nld.com.vn đưa tin, từ 2019, thay vì Bộ Công Thương hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi thì doanh nghiệp sẽ tự cấp cho chính mình.
Kể từ 1-1-2019, Việt Nam chính thức tham gia cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Registered Exporter system - REX) khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU. Theo đó, từ ngày này, doanh nghiệp Việt Nam tự chứng nhận C/O cho mình để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu hàng hoá sang EU.
Tuy nhiên, không phải nhà xuất khẩu nào cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ mà phải được cấp phép bởi một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu (thường là hải quan). Quy trình cụ thể là: doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép lên cơ quan hải quan; hải quan kiểm tra hồ sơ nộp; thẩm tra tại chỗ nếu thấy cần thiết; quyết định cấp phép hoặc không cấp phép. Giấy phép chứng nhận xuất xứ có thời hạn 5 năm, nếu nhà xuất khẩu không có vi phạm.
Phía EU cho Việt Nam thời hạn quá độ là 6 tháng. Nếu doanh nghiệp chưa kịp làm hồ sơ xin cấp phép để hưởng chế độ tự chứng nhận xuất xứ thì có thể xin chứng nhận theo hình thức thông thường (Bộ Công Thương hoặc VCCI cấp phép) trong 6 tháng tới.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet