Tỉ lệ ngô được đánh giá tốt – tuyệt vời hiện đang ở mức thấp nhất cùng kì kể từ năm 1988 và thấp hơn các tuần trong tháng 6 và tháng 7 của năm 2012. Một số thảo luận trên thị trường nông sản cho rằng hạn hán năm nay có thể sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng tương tự như năm 2012. Tuy nhiên, với chất lượng giống ngô biến đổi gen liên tục được cải tiến trong vòng 1 thập kỉ qua tại Mỹ thì cây trồng sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước những bất lợi về thời tiết. Và trong trường hợp năng suất ngô niên vụ 23/24 bị cắt giảm từ mức 181.5 giạ/mẫu trong dự báo hiện tại xuống mức 173.3 giạ/mẫu thì tồn kho vẫn gia tăng so với niên vụ 22/23. Ngoài ra, năm 2012 là năm mô hình La Nina xuất hiện với biểu hiện thường xảy ra là khô hạn. Ngược lại, El Nino đã được xác nhận quay trở lại trong năm nay mặc dù muộn nhưng những kỳ vọng về lượng mưa cùng độ ẩm tích cực mà mô hình thời tiết này mang lại trong thời gian tới là hợp lí. Tương tự như năm 1992, lượng mưa lớn xuất hiện muộn vào tháng 7 đã giúp chất lượng cây trồng cải thiện và sản lượng đạt mức kỉ lục. Những yếu tố trên sẽ dần xoa dịu những lo ngại trước đó của thị trường và tác động “bearish” đến giá ngô.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ vẫn đang ở mức rất thấp so với cùng kì năm ngoái, một phần đến từ áp lực cạnh tranh từ Brazil cũng sẽ củng cố lực bán đối với mặt hàng này.

Giá Arabica có thể trở lại đà giảm khi tồn kho đạt chuẩn đang tăng
Kết thúc phiên giao dịch 27/06, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục khởi sắc khi thị trường lo ngại vấn đề nguồn cung ở mức thấp. Bất chấp tín hiệu tích cực cho thấy nguồn cung Arabica trên thị trường đang dần hồi phục, giá Arabica vẫn tăng hơn 1% trong phiên hôm qua và là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của mặt hàng này. Giá Robusta cũng có phiên khởi sắc thứ 2 trong tuần khi thiếu hụt nguồn cung xảy ra tại cả 3 thị trường cung ứng cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Nguồn cung Arabica tiếp tục cho tín hiệu tích cực, giúp thị trường giảm bớt những lo ngại về nguồn cung khan hiếm xảy ra trước đó.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE kết thúc phiên 27/06 tăng thêm 2.602 bao cà phê loại 60kg, lên 549.252 bao, mức cao nhất trong 2 tuần trở lại đây. Hơn nữa, tại các cảng lưu trữ cà phê của Sở ICE vẫn còn 3.540 bao đang chờ phân loại tiếp. Như vậy, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn có thể tăng trong thời gian tới, góp phần giảm bớt gắng nặng nguồn cung ở mức thấp.
Hơn nữa, những dự báo trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong 6 tháng cuối năm tại Brazil của Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê (CECAFE) bắt đầu có biểu hiện thực tế.
Tính đến ngày 27/06, Brazil đã vận chuyển được 1,82 triệu bao cà phê Arabica loại 60kg, cao hơn mức 1,65 triệu bao của cùng kỳ tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, lượng cà phê xuất khẩu trong thời điểm này vẫn có phần khiêm tốn. Điều này cho thấy nông dân đã sẵn sàng hơn cho việc bán nhưng vẫn chưa an tâm hoàn toàn về nguồn cung.
Đồng thời, hoạt động thu hoạch cà phê tại khu vực trồng cà phê chính của Brazil tiếp tục được hỗ trợ bởi sự thuận tiện của thời tiết. Lượng mưa dưới mức trung bình, tạo nên sự khô ráo để hoạt động thu hoạch diễn tra thuận tiện, giúp nguồn cung mới sớm được bổ sung và đẩy ra thị trường. Kết hợp cùng triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil theo dự báo từ Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đưa đến kỳ vọng nguồn cung sẽ sớm hồi phục và mở rộng trong thời gian tới.

Dữ liệu kinh tế kém sắc của Trung Quốc có thể tiếp tục gây sức ép tới giá đồng
Giá đồng nối dài đà giảm trong phiên sáng nay do chịu áp lực bởi kỳ vọng tiêu thụ kém tại Trung Quốc.
Dữ liệu Tổng cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy lợi nhuận tại các công ty công nghiệp ở Trung Quốc tiếp tục lao dốc, phản ánh tác động tiêu cực của nhu cầu tiêu dùng hạ nhiệt và tình trạng giảm phát giá sản xuất kéo dài.
Cụ thể, mức lợi nhuận công nghiệp trong tháng 5 của Trung Quốc đã giảm 12,6% (YoY), giảm mạnh hơn đáng kể do với mức giảm 6,5% trong tháng 4, điều này tiếp tục cho thấy dấu hiệu nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 52% trong cơ cấu nhập khẩu đồng toàn cầu. Hơn nữa, mùa tiêu thụ cao điểm của đồng trong lĩnh vực xây dựng tại Trung Quốc đã kết thúc và đang bước vào giai đoạn tiêu thụ yếu theo truyền thống. Do đó, lo ngại nhu cầu kém sắc tại Trung Quốc có thể tiếp tục gây sức ép tới giá đồng trong phiên hôm nay.
Tuy vậy, yếu tố nguồn cung thu hẹp có thể giúp giá đồng hạn chế đà giảm mạnh.
Theo Reuters, tình trạng lũ lụt vẫn đang tiếp diễn tại Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, và khiến nhiều mỏ đồng chưa thể khôi phục lại hoạt động khai thác.Trong khi đó, tổng tồn kho đồng trên cả 3 Sở Giao dịch lớn là LME, Thượng Hải và COMEX hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Về yếu tố vĩ mô, phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tối nay trong Hội thảo Diễn đàn Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tại Sintra dự báo cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định tới giá đồng.
Tại đây, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, đã phát biểu rằng lạm phát tại khu vực châu Âu có thể kéo dài trong một thời gian và điều này thúc đẩy ECB có thể tăng lãi suất thêm hai lần nữa vào tháng 7 và tháng 9.
Do đó, nếu Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục cho thấy quan điểm diều hâu, áp lực lãi suất cao có thể tiếp tục gây sức ép tới giá đồng trong phiên.

Giá dầu có thể phục hồi bởi báo cáo tồn kho tuần của EIA
Giá dầu trong các phiên gần đây dao động trong một biên độ khá hẹp khi thiếu vắng các tin tức đủ mạnh để có thể đưa dầu phá vỡ vùng đi ngang. Các áp lực vĩ mô từ các nền kinh tế lớn vẫn đang là lo ngại chính gây sức ép bán trên thị trường dầu thô. Tuy nhiên, việc giá dầu WTI đang ở sát vùng hỗ trợ 67 USD/thùng, và cũng là vùng giá tương đối thấp, có thể khiến đà giảm chững lại, nhất là khi rủi ro nguồn cung trong giai đoạn tới vẫn còn tiềm ẩn.
Vào tháng 7, Saudi Arabia sẽ chính thức cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu/ngày, bên cạnh việc duy trì chính sách sản lượng thấp trước đó.
Tác động của việc cắt giảm có thể sẽ bị hạn chế bởi nguồn cung dồi dào từ các khu vực khác. Theo các chuyên gia phân tích từ Reuters, xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc trong tháng 7 đang trên đà tăng lên 800.000 tấn trở lên, cao hơn dự báo hồi tháng 6 ở mức từ 500.000 – 637.000 tấn.
Một phần điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc còn yếu, đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các nhà máy. Ngoài ra, xuất khẩu dầu diesel dồi dào cũng cho thấy nguồn cung cấp dầu thô cho hoạt động lọc dầu vẫn đang được đảm bảo ổn định, nhất là khi Trung Quốc gia tăng nhập khẩu dầu từ Nga. Điều đó hạn chế một số lo ngại về nguồn cung suy yếu, nên giá dầu sẽ không được hỗ trợ quá mạnh khi các thành viên khác của OPEC cắt giảm sản lượng.
Trong ngày hôm nay, giá dầu có thể sẽ được hỗ trợ và lấy lại đà tăng nếu như báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đồng thuận với báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) vào sáng nay. Nhiều khả năng tồn kho xăng dầu sẽ giảm, do trước đó, Hiệp hội ô tô Hoa Kỳ ước tính 43 triệu người sẽ lái xe 50 dặm trở lên vào kỳ nghỉ lễ độc lập ngày 4/7 sắp tới, cao hơn 4% so với năm 2019. Kỳ vọng tiêu thụ khởi sắc hơn trong dịp Lễ sắp tới tại Mỹ nhiều khả năng sẽ kéo tồn kho suy yếu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)