Việt Nam và EU vừa nhất trí trên nguyên tắc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Theo đó, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế nhập khẩu. Đối với số ít dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần.

Đây được coi là hiệp định toàn diện được kỳ vọng nhất của EU với một nước đang phát triển, và cũng là hiệp định thứ 2 của EU ở ASEAN sau hiệp định với Singapore.

Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 65% hàng hóa nhập khẩu từ EU, số còn lại sẽ được xóa dần trong vòng 10 năm. Đổi lại, EU sẽ xóa thuế quan cho hàng hóa Việt Nam sau 7 năm.

Ví dụ, hầu hết máy móc, thiết bị nhập khẩu từ EU sẽ được xóa thuế quan hoàn toàn khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại sẽ được xóa sau 5 năm.

Xe máy với động cơ trên 150cc sẽ được dỡ thuế quan sau 7 năm, trong khi thuế suất với ô tô nhập khẩu sẽ được xóa bỏ sau 10 năm, trừ loại có động cơ lớn hơn 3.000 cc (với động cơ xăng) hoặc lớn hơn 2.500 cc (với động cơ diesel) sẽ được dỡ thuế quan sớm hơn 1 năm.

Linh kiện ô tô được miễn thuế quan sau 7 năm. Trong khi đó gần một nửa dược phẩm từ EU sẽ được miễn thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Toàn bộ hàng dệt may của EU sẽ được miễn thuế quan khi hiệp định có hiệu lực. Gần 70% hóa chất nhập khẩu từ EU sẽ được dỡ bỏ thuế quan, số còn lại được xóa bỏ dần theo lộ trình 3 năm, 5 năm, 7 năm.

Ngoài ra, Việt Nam cũng mở cửa thị trường cho hầu hết các sản phẩm thực phẩm của EU, cả nguyên liệu và sản phẩm đã qua chế biến. Thuế quan đối với mặt hàng rượu và sản phẩm có cồn từ EU sẽ được miễn thuế quan sau 7 năm.

Thịt lợn đông lạnh được miễn thuế quan sau 7 năm, đối với thịt bò là 3 năm, sản phẩm sữa tối đa là 5 năm và thực phẩm qua sơ chế tối đa 7 năm. Thịt gà sẽ được miễn hoàn toàn thuế quan sau 10 năm.

EU cũng sẽ xóa thuế quan cho một số hàng hóa nhạy cảm, đặt biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày của Việt Nam nhưng sau thời gian dài hơn (tới 7 năm). Việc xóa thuế quan này tuy nhiên để không tạo cơ hội cho hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường EU sẽ đi kèm quy tắc hàng hóa dệt may phải sử dụng sợi do Việt Nam sản xuất, song vẫn có thể chấp nhận ngoại lệ với sợi từ Hàn Quốc – một đối tác FTA khác của EU.

Chỉ một số nông sản nhạy cảm sẽ không được dỡ bỏ thuế quan hoàn toàn. Tuy nhiên, EU cho phép hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam áp dụng quy tắc hạn ngạch thuế quan (TRQ), gồm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường, sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, bột sắn, cá ngừ đóng hộp.
Minh Phương
Theo Cơ quan thống kê châu Âu