Sau cùng thì có lẽ chính niềm tin của người tiêu dùng đã mở lối cho nông sản sạch trong nước gia nhập thị trường bằng lối cửa chính. Điều quan trọng không kém là niềm tin đó còn đóng vai trò bệ đỡ cho các nông sản sạch ngay cả khi phải chịu những cú đòn tin đồn như vụ việc sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên mới đây bị cho là “tráng” nước lưu huỳnh cho đẹp vỏ trước khi  được đem ra bán.

Liên tiếp trong nhiều tuần qua tại Hà Nội đã diễn ra các tuần lễ nhận diện thương hiệu nông sản của Bắc bộ, Nam bộ và vùng Tây Bắc. Các sự kiện này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Người tiêu dùng thủ đô và nhiều địa phương lân cận không chỉ có dịp thưởng thức các đặc sản “nhà mình” thay vì phải dùng các sản phẩm từ các phương trời xa lạ mà còn quen dần với phong cách tiêu dùng hiện đại khi có thể trực tiếp truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ chính chiếc điện thoại của mình.

Theo các chuyên gia đây là hình thức xúc tiến thương mại mới rất có hiệu quả mà lý ra đã phải được tiến hành từ lâu thay vì chuyện các nông sản, vốn là thành quả hai sương một nắng của người nông dân phải nằm đợi các thương lái đến mang đi.

Cũng trong cái mới nữa của hình thức xúc tiến thương mại này các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản nay đã chủ động liên kết với nhau để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cũng như giúp người tiêu dùng gần hơn với các sản phẩm có lý lịch sạch. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mà lượng sản phẩm được chứng nhận nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%.

Tính riêng trên địa bàn Hà Nội có đến 425 chợ, 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng ngàn cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm chủ yếu tập trung tại các quận nội thành. Theo các chuyên gia, chính quyền thành phố bên cạnh việc đầu tư cho các cơ sở sản xuất nông sản sạch thì cũng rất cần có chính sách hỗ trợ mạng lưới phân phối hùng hậu nói trên để dần rộng cửa cho các nông sản sạch, tiến tới việc loại bỏ các nông sản không rõ nguồn gốc ra khỏi thị trường và bữa ăn của người tiêu dùng.

Nguồn: Quang Lộc/Báo Công Thương điện tử