Khoảng 4 – 5 tuần lễ nữa nông dân Việt Nam mới bắt đầu đẩy mạnh thu hoạch cà phê robusta vụ mùa mới năm nay. Dự kiến ban đầu không được lạc quan do thời tiết khô hạn, mưa muộn và thiếu mưa vào đầu vụ khiến chất lượng hạt cà phê không đạt yêu cầu.
Trên thị trường thế giới, những ngày giữa tháng 9/2019, giá cà phê robusta và arabica giao kỳ hạn trên thị trường thế giới biến động không đồng nhất.
Tuần cuối tháng 9, các thị trường cà phê kỳ hạn tiếp tục giao dịch trầm lắng khi căng thẳng thương mại không có triển vọng lạc quan nào mới và Mỹ đang đe dọa đầu tư vào Trung Quốc. Trong khi dường như EU không còn lối thoát nào ngoài “Brexit – không thỏa thuận” mà ai cũng thấy sẽ là “lợi bất cập hại” khiến nhà đầu tư tiếp tục đứng bên ngoài chờ đợi, nghe ngóng thêm…
Thị trường cà phê Đông Nam Á cũng không có gì mới ngoài giá chênh lệch xuất khẩu của cà phê robusta giao sớm hiện ở mức rất cao so với giá kỳ hạn London do nguồn cung cạn kiệt, trong khi thị trường nội địa Việt Nam cũng không có sự quan tâm bán ra vào thời điểm cuối tháng.
Hầu hết các tổ chức và chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới khẳng định cuộc chiến thương mại đã lan rộng và nguy cơ suy thoái kinh tế vĩ mô tổng thể đã diễn ra mà không thể đẩy lùi được nữa. Vấn đề bây giờ là tìm cách ngăn chặn để không giảm sâu hơn.
Giá cà phê toàn cầu có dấu hiệu phục hồi trở lại nhờ Chính phủ Brazil giảm dự báo sản lượng cà phê niên vụ năm nay xuống 49 triệu bao (loại 60 kg), từ 50,9 triệu bao dự báo hồi tháng 5/2019, do ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết không thuận lợi. Theo cơ quan phụ trách thống kê nông nghiệp Brazil (Conab) cho biết, sản lượng cà phê arabica đạt 34,47 triệu bao so với gần 37 triệu bao ước tính hồi tháng 5/2019; sản lượng cà phê robusta, loại được các nhà sản xuất cà phê hòa tan sử dụng rộng rãi, tăng lên 14,52 triệu bao từ 13,93 triệu bao đã được dự báo hồi tháng 5/2019.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng theo yếu tố chu kỳ. Thời điểm cuối năm, nhu cầu sản xuất tăng nên sức mua của các nhà kinh doanh và rang xay cà phê quốc tế tăng. Người trồng cà phê của Brazil hạn chế bán ra do đồng real giảm.
Trong năm 2018 - 2019, mức tiêu thụ của người Ethiopia ước đạt 3,8 triệu bao, chiếm 50,7% sản lượng dự kiến. Xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm lên tới 2,47 triệu bao so với 2,65 triệu bao trong năm 2017 - 2018.
Tiêu thụ cà phê thế giới trong năm 2018 - 2019 ước tăng 2,1% lên 164,84 triệu bao với mức tăng trưởng lớn nhất ở châu Á và châu Đại Dương, nơi nhu cầu tăng 3,6% lên 35,91 triệu bao.
Tiêu thụ ở châu Âu đã chậm lại, tăng 1,5% lên 53,97 triệu bao so với mức tăng 2,1% trong cùng kì năm 2017 - 2018. Tuy nhiên, nhu cầu ở Bắc Mỹ tăng 2,2% lên 30,61 triệu bao.
Tiêu thụ ở Nam Mỹ tăng 1,1% lên 27,27 triệu bao, ở châu Phi tăng 3% lên 11,88 triệu bao và Trung Mỹ & Mexico tăng 0,2% lên 5,21 triệu bao.
Mặc dù tốc độ tiêu thụ tăng, sản xuất thế cà phê giới dự kiến sẽ vượt mức tiêu thụ 3,92 triệu bao, dẫn đến thặng dư 8 triệu bao trong hai mùa vừa qua.
Nguồn: Vinanet