Trao đổi về ký kết mới đây giữa Việt Nam và Mỹ, ông Hải cho biết, Việt Nam cùng Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Đại diện thương mại Mỹ (USTR) hôm 18-7 ký thỏa thuận thực hiện phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan đến vụ tôm nước ấm nhập khẩu từ Việt Nam thực sự là một thắng lợi quan trọng cho Việt Nam trong bước đầu tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO với tư cách là nguyên đơn.

“Thắng lợi tại WTO cũng như việc Mỹ tự nguyện thực hiện phán quyết của WTO chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới Chính phủ Việt Nam trong việc mạnh dạn sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các ngành công nghiệp trong nước. Đồng thời các cơ quan thực thi của Mỹ như DOC cũng cân nhắc hơn đến vấn đề tuân thủ khi thực hiện các vụ điều tra phòng vệ thương mại”, luật sư Hải cho biết.

Tuy vậy, theo ông Hải, kết quả của vụ kiện này (Việt Nam đã kiện Mỹ lên WTO liên quan đến vụ Mỹ áp thuế CBPG lên mặt hàng tôm nước ấm nhập khẩu từ VN- PV) không có tác động làm khép lại hoàn toàn các vấn đề pháp lý đối với vụ tôm nước ấm nói riêng và các vụ kiện phòng vệ thương mại Mỹ đang và sẽ tiến hành đối với Việt Nam nói chung. Phán quyết của WTO có lợi cho Việt Nam bởi việc Mỹ sử dụng phương pháp quy về không (zeroing) trong tính toán biên độ phá giá và việc áp thuế suất chung toàn quốc (country-wide rate) được WTO cho là không phù hợp với các quy định liên quan của WTO.

Đối với vấn đề zeroing, không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước khác, trong đó có EU, Nhật và Trung Quốc, đều có những vụ kiện Mỹ về phương pháp này. Với phương pháp zeroing, DOC quy về không (0) đối với các giao dịch có biên độ âm, và như vậy làm tăng biên độ phá giá áp cho các doanh nghiệp Việt Nam. Phương pháp này bị WTO kết luận là không phù hợp với các quy định liên quan của WTO.

Với việc loại bỏ zeroing, Mỹ đã tính lại thuế cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam trong các đợt rà soát hành chính trước đây và kết quả là lệnh thuế chống bán phá giá được dỡ bỏ hoàn toàn đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, do kết quả tính lại cho thấy doanh nghiệp này không bán phá giá (có mức thuế âm, 0% hoặc mức thuế không đáng kể - nhỏ hơn 2%) trong ba kỳ rà soát hành chính liên tiếp.

Theo quy định của Mỹ, lệnh áp thuế chống bán phá giá sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn cho một nhà xuất khẩu nếu trong 3 kỳ rà soát liên tiếp, nhà xuất khẩu đó được kết luận là không bán phá giá.

Tuy nhiên, sau khi bị thổi còi vì phương pháp zeroing này, Mỹ đã áp dụng một phương pháp mới mà về bản chất cũng là để sử dụng zeroing theo một hình thức khác. Đó là việc DOC sử dụng phương pháp Phép thử Cohen D (Cohen’s D test), theo đó, nếu giá của giao dịch nào vượt ra khỏi mức giá bình quân gia quyền của tất cả các giao dịch với độ lệch lớn hơn 0,8 thì được gọi là giao dịch có giá khác biệt.

Nếu tỷ lệ giao dịch có giá khác biệt lớn hơn 66% trên tổng tất cả giao dịch thì DOC sẽ sử dụng phương pháp average-to-transaction khi tính biên độ phá giá, theo đó quy về không (0) các giao dịch có biên độ âm thay vì phương pháp bình quân gia quyền thông thường average-to-average, trong đó không quy về không (0) các giao dịch có biên độ âm. Phương pháp này vẫn đang và sẽ được DOC sử dụng trong các vụ kiện chống bán phá giá bao gồm cả các vụ việc đối với Việt Nam.

Ông Hải cho biết thêm, có một tin vui là ngày 11-3-2016, Ban hội thẩm WTO đã thông qua phán quyết trong vụ việc giữa Hàn Quốc và Mỹ (vụ việc số DS464) kết luận việc sử dụng phương pháp mới này của Mỹ không phù hợp với các quy định liên quan của WTO. Hiện vụ việc này đang được kháng cáo lên Cơ quan phúc thẩm WTO.

“Trong trường hợp được Cơ quan phúc thẩm thông qua, sẽ mất nhiều năm nữa để Mỹ thực thi phán quyết này của WTO, và cũng chưa biết Mỹ sẽ có lá bài gì để thay thế vào thời điểm đó. Do vậy, vấn đề phòng vệ thương mại với Mỹ thực sự là một cuộc đấu tranh pháp lý dai dẳng chưa thấy hồi kết”, ông Hải nói.

Đối với vấn đề áp thuế suất chung toàn quốc (country-wide rate), vấn đề này chỉ liên quan đến các nước mà Mỹ xem là nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam hay Trung Quốc. Theo đó, một doanh nghiệp nếu không chứng minh được sự độc lập đối với cơ quan Nhà nước sẽ bị áp mức thuế suất chung toàn quốc, thường là mức thuế cao nhất vì được tính toán dựa trên thông tin bất lợi sẵn có của Mỹ. Hiện tại Mỹ vẫn chưa thực thi phán quyết của WTO liên quan đến vấn đề này.

Trung Quốc hiện đang có vụ kiện đối với Mỹ về vấn đề này (vụ việc có mã số DS471). Có khả năng là Mỹ sẽ chờ đợi phán quyết trong vụ DS471 rồi mới tiến hành các bước nhằm thực thi phán quyết của WTO.

Nguồn: thesaigontimes.vn