Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2017 diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước với nhiều dấu hiệu tích cực hơn năm 2016 nhưng còn nhiều bất ổn khó lường: tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu đạt tốt hơn so với hầu hết dự báo hồi đầu năm; giá nhiên liệu và kim loại tăng khá mạnh, nhưng giá nông sản lại thấp do sản lượng tăng; biến đổi khí hậu diễn ra khá nhanh; thiên tại bão lũ nặng nề ở nhiều nơi… đã tác động đến kinh tế xã hội của nước ta.

Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, Nghị quyết chỉ đạo các ngành các cấp thực hiện quyết liệt giúp ổn định kinh tế.

Để có thể nhận biết được bức tranh toàn cảnh về thị trường năm 2017, ngày 9/1/2018 Viện Kinh tế Tài chính – Học viện tài chính đã tổ chức Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2017 và dự báo năm 2018”.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia kinh tế thương mại, các nhà nghiên cứu, thày giáo của các trường Đại học tới dự và phát biển ý kiến.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa – phó chủ tịch hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam năm 2017 ổn định vừa kiềm chế được lạm phát ở mức 3,5% vừa tăng trưởng cao 6,8% chủ yếu là do tình hình kinh tế thế giới ổn định, không có biến động lớn.

Tuy nhiên, năm 2017 vẫn có những cái chưa được trong điều hành kinh tế, đó là:

- Vấn đề dự báo thị trường chưa tốt, nên ảnh hưởng đến giá cả một số mặt hàng như: điều hành cung cầu thịt lợn chưa tốt, dẫn đến giá giảm sâu, chỉ bằng 50% giá sản xuất, làm người nông dân thua lỗ.  

- Hơn nữa vấn đề bình ổn thị trường chưa đạt yêu cầu, chưa có giải pháp thiết thực đối với từng vùng, từng địa phương, nhất là các vùng xảy ra bão lũ.

- Mảng dịch vụ công chưa tính đúng, tính đủ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Năm 2017 tuy Việt Nam đã có những thành công nhất định, nhưng không nên quá chủ quan, mà cần phải có sự so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam còn kém xa các nước về năng suất chất lượng, về thuế phí còn cao.

Nút thắt của nền kinh tế chính là vấn đề tham nhũng, lãng phí, thất thoát lớn.

Dự báo năm 2018: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, giá thế giới không biến động nhiều; giá xăng dầu khó tăng cao, chỉ tăng 6 – 8% so với năm 2017, đạt mức khoảng 60 USD/thùng.

Ông Vũ Vinh Phú – Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, vấn đề quyết định về giá cả hàng hóa là Dự trữ - chế biến – tiêu thụ.

Thách thức năm 2018 là sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài với hàng Việt; vấn đề ép giá và chi phí cao của các siêu thị đối với hàng Việt, tạo nên khó khăn khi hàng vào siêu thị.

Vì vậy vấn đề điều hành cung – cầu là rất quan trọng. Việt Nam cần phải công nghiệp hóa ngành kinh tế biến và kinh tế nông nghiệp. Cần phải giảm chi phí sản xuất, chi phí doanh nghiệp, cần phương thức dự trữ chiến lược, giúp cho khâu lưu thông hàng hóa tốt. Cần thay đổi phương thức kinh doanh, tạo mối quan hệ tốt giữa nhà cung ứng và nhà sản xuất.  

Cần có chính sách kích thích tiêu dùng; chính phủ cần tạo môi trường thông thoáng và giảm bớt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; cần sớm xây dựng bộ luật về bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa dễ dàng hơn, bớt chi phí cho quá nhiều khâu trung gian, làm giá đến người tiêu dùng tăng quá cao.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Báo Nhân dân cho rằng năm 2018 giá thế giới sẽ tăng, ảnh hưởng tới giá xăng dầu, giá dịch vụ công của Việt Nam tăng. Ngược lại, giá tiêu dùng, giá ô tô, giá bất động sản sẽ giảm do dư cung.

Lạm phát năm 2018 chắc chắn sẽ cao hơn 2017 do lạm phát tiền tệ, dư nợ tín dụng tăng, chi phí đẩy sẽ tăng, lạm phát cầu kéo tăng.

Nhập siêu đang có xu hướng tăng từ các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản    

Kết luận: Các đại biểu đều cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt 6,5%; lạm phát năm 2018 sẽ ở mức 3,5- 4%.