Với kiến nghị này, HOREA cho rằng, các công ty bảo hiểm hiện đang hoạt động theo phương thức chỉ thu phí bảo hiểm, không yêu cầu ký quỹ hoặc tài sản thế chấp, do vậy, sẽ giúp giảm gánh nặng cho chủ đầu tư dự án và người tiêu dùng khi mua, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai. Thế nhưng, mô hình này liệu có khả thi? 

Bảo hiểm không mặn mà

Không giống như lập luận của HOREA, phương thức chỉ thu phí bảo hiểm, không yêu cầu ký quỹ hoặc tài sản thế chấp ở các công trình hoàn toàn khác, bởi doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có thể “tính được” rủi ro ở các công trình, còn với nhà ở hình thành trong tương lai thì không.

Đa số DNBH phi nhân thọ cho biết: Sau khi ký hợp đồng 3 bên (ngân hàng, DNBH và chủ đầu tư), DNBH sẽ cùng với ngân hàng giám sát chủ đầu tư. Tuy nhiên, DNBH không có khả năng kiểm tra xem chủ đầu tư có sử dụng vốn đúng mục đích hay không, cũng không thể quản lý được luồng tiền của nhà đầu tư... Vì thế, bán bảo hiểm cho loại hình này chẳng khác nào “thả gà ra đuổi” và nguy cơ cao hơn đôi khi là mất cả... “chuồng gà chứ đâu chỉ một con”.

“Không có quy định nào bắt buộc các DNBH phải tham gia loại hình này. Bảo hiểm chỉ có thể tham gia nếu ngân hàng đứng ra bảo lãnh dự án có công ty bảo hiểm”, một đại diện DNBH chia sẻ.

Như vậy, việc tham gia bảo hiểm nhà ở hình thành trong tương lai với loại hình công ty bảo hiểm này cũng chỉ là tiện thì làm. Hơn nữa, khi đã có ngân hàng bảo lãnh thì đâu cần có thêm công ty bảo hiểm để “phí chồng phí”. 

Người mua băn khoăn

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, nhiều khách hàng tỏ ra e ngại với những dự án phải mua bảo hiểm. Theo họ, dự án chỉ cần có ngân hàng bảo lãnh là được, không cần thiết phải mua thêm bảo hiểm để phải tăng tiền.

Chị Thủy - khách hàng mua căn hộ tại Dự án TECCO Green Nest (quận 12) cho biết, với số tiền tăng thêm 10 - 20 triệu đồng do phí bảo hiểm, gia đình chị có thể mua được một số đồ nội thất cho căn hộ. Vì thế, thay vì mua nhà ở dự án phải mua bảo hiểm, chị vẫn có thể chọn được căn hộ ưng ý với chủ đầu tư uy tín.

Không riêng phân khúc căn hộ giá thấp, một khách hàng mua căn hộ cao cấp Sky Center (quận Tân Bình) của Hưng Thịnh khẳng định: “Nếu căn hộ ở đây tăng giá vì mua bảo hiểm, tôi sẽ chọn căn hộ khác. Thường các dự án bán tốt đã có ngân hàng đứng ra bảo lãnh, còn những dự án ở xa trung tâm, rủi ro cao, mới phải mua bảo hiểm. Cái chính là mua nhà để ở, chứ không mong dự án có vấn đề để lấy tiền từ bảo hiểm”.

Chủ đầu tư hưởng lợi?

Theo Bộ Xây dựng, quy định này nhằm gỡ bỏ tâm lý e ngại của người dân về tiến độ xây dựng của các dự án, đảm bảo sự an toàn cho số tiền mà người mua nhà đã đóng, lấy lại niềm tin trên thị trường BĐS. Tuy nhiên, các DNBH dường như không mấy mặn mà, trong khi với các dự án có thanh khoản cao, bán tốt thì các ngân hàng đã “tình nguyện” vào cuộc, mà đối với người mua, họ cũng chỉ cần bảo lãnh của ngân hàng là đủ.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, để tồn tại, mỗi DN đều đã lựa chọn cho mình một phương thức kinh doanh. Với Lê Thành, Công ty hướng đến phân khúc nhà giá thấp, khách hàng là các đôi vợ chồng trẻ, người độc thân, không muốn vay tiền từ ngân hàng. Theo đó, khi mua căn hộ tại dự án của Lê Thành, khách hàng chỉ cần đóng trước một số tiền, sau đó trả góp hàng tháng từ 3 triệu trở lên. Người mua có thể mua trong lúc dự án đang xây dựng hoặc đợi vào ở mới mua.

“Với cách bán nhà này thì có mua bảo hiểm hay không cũng thế. Vấn đề là nếu mua bảo hiểm, khách hàng sẽ phải trả thêm tiền không cần thiết”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Trần Hải Minh, Tổng giám đốc Công ty TECCO, dự án khả thi thì ngân hàng mới bảo lãnh. Những dự án đang bán tốt chứng tỏ được khách hàng tin tưởng và phù hợp với thị trường. Giờ mua thêm bảo hiểm, vừa phải tăng tiền bán, mà đôi khi lợi bất cập hại, khách sẽ đặt câu hỏi: tại sao dự án phải mua bảo hiểm...?

“Chất lượng căn hộ, tiến độ bàn giao đã được ký rõ trong hợp đồng, bên nào sai bên đó phải chịu. Khách hàng không sợ thiệt hại bởi ngân hàng bảo lãnh là họ đã kiểm soát dự án rồi, nên không cần thiết phải có thêm bảo hiểm. Còn khi ngân hàng không bảo lãnh, dự án chắc chắn ‘có vấn đề’, bảo hiểm tham gia giống như tấm vé một chiều cho chủ đầu tư dễ bán hàng hơn”, ông Minh chia sẻ.

Nguồn: Đầu tư Bất động sản